Bình Thạnh là một quận nội thành thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Quận Bình Thạnh là điểm đầu mối giữa quốc lộ 1A và 13, nơi có Bến xe Miền Đông; là cửa ngõ con tuyến Đường sắt Bắc-Nam vào thành phố này.
Quận Bình Thạnh trên bản đồ
Bình Thạnh nằm ở hướng đông của thành phố, phía nam giáp quận 1, phía tây giáp các quận 3, quận Phú Nhuận, quận Gò Vấp, phía đông giáp sông Sài Gòn (bên kia sông là quận Thủ Đức và quận 2). Diện tích là 2.076 ha.Cùng với sông Sài Gòn các kênh rạch: Thị Nghè, Cầu Bông, Văn Thánh, Thanh Đa, Hố Tàu, Thủ Tắc... đã tạo thành một hệ thống đường thủy đáp ứng lưu thông cho xuồng, ghe nhỏ đi sâu vào các khu vực trên khắp địa bàn Bình Thạnh, thông thương với các địa phương khác.
Quận gồm 20 phường (Không có các phường: 4, 8, 9, 10, 16, 18, 20, 23): 1, 2, 3, 5, 6, 7, 11, 12, 13, 14, 15, 17, 19, 21, 22, 24, 25, 26, 27, 28.
Trong đó, phường 14 là trung tâm của quận.
Từ thuở khai hoang lập ấp cho đến khi nhà Nguyễn trực tiếp cai quản, nông nghiệp lúa nước là ngành kinh tế chủ yếu của cư dân Bình Hoà - Thạnh Mỹ Tây, bên cạnh chăn nuôi và đánh cá.
Dưới thời Pháp thuộc, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo. Nhưng do ở vị trí địa lý thuận lợi có nhiều đường giao thông thủy bộ quan trọng lại ở trung tâm tỉnh lỵ. Gia Định, thủ công nghiệp, thương nghiệp lại có điều kiện phát triển và mở rộng, đã xuất hiện một số cơ sở công nghiệp nhỏ.
Trong thập niên 1960, kinh tế Bình Hoà–Thạnh Mỹ Tây chưa có sự thay đổi. Nhưng vào thập niên 1970, các nhà tư bản trong và ngoài nước đã có đầu tư, nhất là lĩnh vực công nghiệp. Vì thế, trong 5 năm trước giải phóng, sản xuất công nghiệp tăng lên đáng kể. Nông nghiệp tụt hậu do đất đai bị thu hẹp để xây dựng nhà cửa và thương nghiệp phát triển tăng vọt nhằm phục vụ cho một số lượng đông dân cư do quá trình đô thị hoá và quân sự hoá cưỡng chế.
Sau năm 1975, trong quá trình khôi phục, cải tạo và xây dựng kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ cấu kinh tế Bình Thạnh có sự chuyển dịch. Kinh tế nông nghiệp đã lùi về vị trí thứ yếu và hiện nay chiếm một tỷ trọng rất nhỏ. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp - dịch vụ - du lịch trở thành ngành kinh tế chủ yếu, thúc đẩy quá trình đô thị hoá nhanh chóng, làm thay đổi diện mạo kinh tế - văn hóa xã hội của quận huyện trong hiện tại và tương lai.
Hiện nay trên địa bàn quận Bình Thạnh đã và đang hình thành một số khu đô thị mới như khu đô thị Vinhomes Central Park, khu đô thị Đại Phúc River View, khu đô thị Bình Thạnh City Garden...
Tòa nhà cao nhất Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam, The Landmark 81 nằm trên địa bàn quận này.